Sau khi té từ trên giường hoặc từ trên cao xuống, mẹ cần phải cực kỳ cẩn trọng
Em thấy dạo này nhiều mẹ có con bị té ngã đến xưng cả cục trên đâu mà vẫn có thời gian đăng hình ảnh của các con lên các hội nhóm rồi hỏi bé bị như vậy phải làm sao các mẹ ơi? Vậy là nhiều bà mẹ ở khắp nơi để lại bình luận như: “Trời ơi còn lên đây để hỏi nữa, mau đưa con đi khám đi chứ”.
Thực sự ai mới đầu làm mẹ cũng đều không có kinh nghiệm chăm con, tuy nhiên những vấn đề như con bị té ngã từ trên giường hoặc trên cao xuống phải làm sao thì các bà mẹ phải tự tìm hiểu hết đó các mẹ ạ. Theo quan sát có thể thấy đa phần các trường hợp con bị ngã từ trên giường hoặc từ trên cao xuống, phản ứng đầu tiên của nhiều bậc cha mẹ là chạy thật nhanh và ôm bé vào lòng để dỗ dành, tuy nhiên cách xử lý này thực ra không đúng. Dưới đây là 3 việc mà bác sĩ khuyên mẹ cần làm sau khi trẻ bị té ngã từ trên cao xuống
Quan sát các chi sau khi trẻ bị té
Nếu đầu trẻ không bị thương, mẹ hãy từ từ di chuyển cánh tay và bắp chân của trẻ để quan sát tình trạng tổn thương của các chi.
Nếu chân tay của bé có thể cử động bình thường, không có bộ phận nào trên cơ thể bị sưng tấy, mẹ tiếp tục quan sát trong vòng 24 đến 48 giờ tiếp theo.
Quan sát da sau khi trẻ bị té
Nếu da tay chân của bé bị trầy xước nhưng không chảy máu, mẹ có thể dùng dung dịch sát khuẩn dành cho trẻ em.
Nếu có một khu vực nhỏ chảy máu, mẹ hãy giúp con cầm máu, sau đó sát trùng bằng dung dịch sát khuẩn dành cho trẻ em, và cuối cùng quấn băng gạc.
Nếu máu vẫn không ngừng chảy, trước tiên mẹ hãy dùng nhiều lớp gạc vô trùng hoặc khăn sạch cố định tại chỗ chảy máu, đồng thời đưa bé đến bệnh viện gần nhất để xử lý kịp thời.
Quan sát vết thương ở đầu ngay sau khi trẻ bị té
Sau khi con bị té, nếu bé nằm dưới đất, mẹ có thể phán đoán trực quan bằng các phương pháp sau:
Khi bé có thể khóc bằng giọng bình thường chứng tỏ khả năng bé bị chấn thương sọ não là rất hiếm khi xảy ra.
Trong trường hợp nếu trẻ khóc to hoặc rất kích động (cáu kỉnh bất thường), đồng thời có các triệu chứng như ngủ li bì, nôn ói (hơn 3 lần trong 24 giờ), căng cơ ở tay chân, nghiến răng, mắt lờ đờ… thì mẹ cần cho con đến bệnh viện ngay lập tức.
Quan sát các khớp của bé sau khi bị té ngã
Khi mẹ chạm vào tay chân hoặc các khớp của bé, bé khóc dữ dội hoặc cử động chân tay không đối xứng, bé có biểu hiện đau đớn khi sinh hoạt thì cần hết sức cảnh giác. Lúc này, bé có thể bị tổn thương khớp, xương hoặc các cơ quan và bé cần được đưa đến bệnh viện ngay lập tức.
Trên thực tế, sau 8 tháng, hầu hết trẻ sơ sinh bắt đầu biết bò, và lúc này, trẻ tìm mọi cách để “vượt rào” dẫn đến việc dễ bị té ngã. Vì vậy, điều cha mẹ cần làm lúc này là:
Đặt em bé vào cũi
Hầu hết các trường hợp té ngã giường đều xảy ra khi trẻ đang ngủ, dù là ngày hay đêm, nếu mẹ để trẻ ngủ một mình thì tốt nhất nên đặt trẻ vào cũi sẽ giảm thiểu tai nạn.
Đặt các miếng xốp mềm và chăn dày
Đặt các miếng xốp mềm và chăn dày xung quanh giường của bé để phòng tránh những tình huống không may con bị té từ trên cao xuống.
Đặt bé vào xe đẩy và thắt dây an toàn
Nếu mẹ ở nhà một mình và cần làm việc nhà, không thể theo dõi sát bé, bé hay đeo bám, mẹ có thể cho bé vào xe đẩy và thắt dây an toàn.
Cuối cùng, mong các bà mẹ đừng tự trách mình khi sơ xuất để con bị té ngã. Vì mẹ cũng không phải là người máy, đặc biệt việc chăm sóc trẻ sơ sinh thật sự rất vất vả và mệt mỏi, không thể nào để mắt suốt 24 tiếng đồng hồ.